Khám Phá Tết Rằm Tháng 7, Tết Lớn Thứ 2 Của Người Tày Ở Hà Giang

Người Việt vẫn thường quen với câu nói “Tết quanh năm không bằng rằm tháng Giêng’”. Nhưng khi đặt chân đến bản người Tày ở Hà Giang, bạn sẽ được nghe bà con truyền tai nhau rằng “Tết cả năm không bằng rằm tháng 7’’.

Trong các dân tộc sinh sống ở tỉnh Hà Giang, cộng đồng dân tộc Tày chiếm số đông với khoảng 170 nghìn người, 25% dân số trong tỉnh. Tập trung nhiều nhất ở các huyện vùng thấp như Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên, Bắc Mê. Người Tày chọn cách sống quây quần ở ngay dưới chân núi, gần sông, suối, bằng phẳng tiện cho việc cấy trồng, chăn nuôi. 

P’apiu nằm bên cạnh những bản làng của người Tày, với đội ngũ nhân sự cũng hầu hết là người dân bản địa vốn đã quen thuộc với nếp sống và phong tục nơi đây như một phần của hơi thở.

Không Khí Ngày Rằm Tháng 7 Rộn Ràng Tại Bản Làng Người Tày Ở Bắc Mê, Hà Giang

Những ngày này, nếu bạn có dịp ghé qua bản nguời Tày ở Hà Giang thì không khí không khác gì dịp Tết Nguyên Đán cổ truyền. “Tết quanh năm không bằng rằm tháng bảy” đã ăn sâu vào ý niệm của những con người nơi đây bao đời nay.

Từ khoảng ngày 10 tháng 7 âm lịch, trong thôn, ngoài bản luôn rộn rã tiếng nói cười, chào hỏi… Chị em phụ nữ rủ nhau đi lấy lá chuối non về phơi, chọn mua gạo nếp ngon để làm bánh; cánh đàn ông thì phải tìm mua cho bằng được đôi vịt béo, nấu nồi rươụ ngon chuẩn bị cho những ngày lễ sắp đến. Trẻ con cũng háo hức vì sắp đến ngày được ăn những món ngon, được sang thăm ông bà, họ hàng. Từ những con đường nhỏ uốn lượn quanh co giữa núi đồi, đến những nếp nhà sàn mộc mạc, đâu đâu cũng phảng phất hương vị của ngày lễ thiêng liêng.

Bản làng người Tày ở Yên Định, Hà Giang khoác lên mình sự rộn ràng, náo nhiệt trong ngày rằm tháng 7

Người Tày Gọi Ngày Rằm Tháng 7 Là “Tết Pây Tái” – Ngày Tết Về Ngoại Để Tỏ Lòng Biết Ơn Cha Mẹ, Ông Bà

Một điều đặc biệt trong dịp lễ này là những người con gái đi lấy chồng sẽ cùng với gia đình về thăm nhà Ngoại. Thế nên, cho dù bận rộn đến đâu, xa xôi đến mấy, thì ngày 14 tháng bảy vợ chồng, con cái cũng khăn gói về nhà bố mẹ vợ. Lễ vật sẽ có một đôi vịt, chai rượu ngon, chục bánh chuối, bánh dày và ít gạo nếp. Khi mang vịt đến, con rể tự tay mổ vịt, luộc bày thành mâm rồi đặt lên bàn thờ để cúng Tổ tiên. Đây là nét đẹp văn hóa thể hiện lòng hiếu thuận của con cái đối với công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ.

Có lẽ ngoài dịp để tỏ lòng thành kính với tổ tiên, Rằm tháng 7 cũng là thời khắc để con cháu gần xa trở về, sum họp bên nhau, để những câu chuyện xưa cũ được kể lại trong ánh mắt rạng ngời của ông bà, để tiếng cười nói của trẻ nhỏ làm rộn ràng thêm không gian. Bởi vậy, dù chưa phải Tết Nguyên Đán, nhưng với bà con người Tày, Rằm tháng 7 đã mang đến những cảm xúc đầy đủ, trọn vẹn như một cái Tết thực sự.

Bánh Chuối – Thức Bánh Dân Gian Đặc Trưng Của Người Tày Ngày Rằm Tháng 7

Không thể không nói tới các món ăn đặc trưng trong dịp tết của người Tày như Vịt Luộc, Bún Vịt, Bánh Chuối, Nộm Núc Nác… Trong đó đặc biệt nhất là món Bánh Chuối, thức bánh được làm từ bột gạo với chuối tiêu thái lát phơi khô. Khi làm bánh, chuối được được xay thành bột, trộn cùng với bột nếp, lớp bột mềm mịn, bên trong là nhân đỗ, thịt, gói trong lá chuối . Khi hấp chín bánh có vị ngọt thơm của chuối, của gạo, vừa dai, vừa mềm. Người Tày luôn coi bánh chuối là thành phần quan trọng phải có trong nghi lễ cúng Tổ tiên Rằm tháng Bảy, vì thế, sản vật này đã có từ lâu đời và trở thành nét văn hóa ẩm thức đặc trưng của đồng bào nơi đây.

Cùng Các Bạn Nhân Sự Bản Địa Của P’apiu Trải Nghiệm Tết Rằm Tháng 7

P’apiu thuộc xã Yên Định, Huyện Bắc Mê, nơi có rất đông người Tày sinh sống. Nên nếu có dịp tới Papiu những ngày tháng 7 này, bạn sẽ có cơ hội được trải nghiệm không khí Tết vô cùng đặc trưng của người Tày Hà Giang. Đặc biệt, các quản gia ở Papiu đều được sinh ra và lớn lên ở đây, nên họ chính là hiện thân sống động về văn hoá mà bạn có thể khai thác bất cứ lúc nào. Họ sẽ kể lại cho bạn nghe về những nét văn hóa đặc trưng mà đồng bào Tày đã gìn giữ qua bao thế hệ. Sẽ đưa bạn rong ruổi qua những bản làng để hòa mình vào những điệu mùa truyền thống các trò chơi dân gian hay thưởng thức chén rượu nếp thơm ngon trong những ngôi nhà đang đầy ắp tiếng cười.

Nếu bạn yêu thích khám phá các món ăn địa phương, thì đây cũng là dịp để bạn trải nghiệm những món độc đáo ngay tại P’apiu do chính đầu bếp người bản địa của P’apiu tận tâm chế biến, hay tham gia vào hoạt động làm Bánh Chuối của người Tày, Hà Giang.

Cùng P’apiu khám phá một nét văn hóa đầy đặc sắc của cộng đồng người Tày tại Hà Giang, nơi mà mỗi nếp nhà sàn đều kể những câu chuyện riêng về tình thân, về niềm tin và về lòng kính trọng đối với tổ tiên.